ASEAN: đang hướng vào phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng
Các nhà đầu tư thuộc khối ASEAN đang hướng vào phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng tại các địa bàn trọng điểm như Phú Quốc, Đà Nẵng, Vân Đồn… Với lợi thế vị trí địa lý tự nhiên nhiều thuận lợi, cộng thêm chính sách phát triển quy hoạch hạ tầng hợp lý, Đà Nẵng vốn dĩ đã được giới đầu tư BĐS liệt vào danh sách các thị trường có BĐS nghỉ dưỡng đáng quan tâm hàng đầu.
Thị trường rộng mở
Nhằm khai thác điểm mạnh về du lịch trong và ngoài nước, hàng loạt dự án khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng hạng sang nhanh chóng tìm tới thành phố sông Hàn từ 2-3 năm nay. Thành công đáng chú ý nhất, phải nhắc tới những trường hợp như: Bà Nà Hills, Công viên Châu Á, Premier Village Đà Nẵng Resort, Pullman Resort, Novotel Premier Han River, hay Hyatt Regency Danang…
Thống kê mới nhất, Đà Nẵng đã thu hút được 74 dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch, với tổng vốn đăng ký 8 tỷ USD, mức cao nhất trên cả nước. Theo ông Quang Huy, một nhà đầu tư BĐS thường xuyên “bay” từ Hà Nội vào Đà Nẵng để bám sát vận động thị trường nghỉ dưỡng, khi Luật kinh doanh BĐS 2014 và Luật Nhà ở có hiệu lực thì những BĐS nghỉ dưỡng cả cũ lẫn mới (chưa hoàn thiện) ở khu vực Đà Nẵng trải dài tới Phú Quốc càng trở nên đắt giá trong mắt giới kinh doanh mạnh tài chính.
Thực tế, thị trường BĐS nghỉ dưỡng/du lịch tại Đà Nẵng gia tăng sức hút đầu tư chính nhờ điều kiện hạ tầng “khó chê”. Tiêu biểu, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đủ sức đón hàng chục chuyến bay quốc tế từ Bangkok, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc tới.
Hệ thống giao thông vận tải đường bộ của địa phương này cũng tỏ vượt trội so với những địa bàn mạnh về BĐS nghỉ dưỡng khác (Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc)…
Tuy nhiên, để tìm tới “khai hoang” hoặc tìm cơ hội đầu tư nhỏ lẻ vào các sản phẩm đã thành hình, khai thác ở loạt dự án trị giá nhiều triệu đô ở Đà Nẵng, đòi hỏi hầu bao của nhà đầu tư phải rủng rỉnh, tối thiểu cũng phải từ 5 – 7 tỷ đồng.
May mắn, không riêng Đà Nẵng, những đích ngắm ở thời tương lai gần của giới kinh doanh BĐS đang mở rộng tới Hạ Long, Thanh Hóa, Nha Trang, Mũi Né, Hội An hay Phú Quốc.
Cự ly đang dần trở thành một tiêu chí hàng đầu. Trong vòng bán kính 2-3 giờ xe ô tô, khu nghỉ dưỡng biển Hải Tiến, Hoằng Hóa, Thanh Hóa cũng đang dần trở thành lựa chọn khôn khéo của những người không quá dư dả nhưng vẫn muốn có một nơi nghỉ dưỡng thực sự cho cả đại gia đình và có một khoản lợi nhuận cố định hàng năm
Căn cơ của người giàu
Trong năm 2015, có thể điểm một số “miền đất hứa” của dân đầu tư chuyên nghiệp như: nhà phố ven biển Little Việt Nam và Lotus Residence của Bim Group tại Quảng Ninh, Premier Village Đà Nẵng Resort của Sun Group, dự án Nam Hội An 4 tỷ USD khi có sự tham gia của Choi Tai Fook thay thế Berhad và là cổ đông chính tại dự án bên cạnh VinaCapital; dự án đô thị nghỉ dưỡng 1,5 tỷ USD (Hội An) cũng vừa khởi động lại giai đoạn 1 với 364 phòng khách sạn, 214 căn biệt thự của HB Group..
Đáng chú ý hơn cả, là loạt 202 dự án nghỉ dưỡng được cấp phép tại Phú Quốc (trong đó 136 dự án đang triển khai).
Ngoại trừ các dự án được khởi tạo, phát triển, khai thác bởi những đơn vị chuyên nghiệp, tầm cỡ như VinGroup đã khẳng định uy thế riêng trong phân khúc nghỉ dưỡng ven biển, Phú Quốc ghi nhận sự tham gia mạnh mẽ gần đây của vài tên tuổi khác như: SunGroup với Premier Village Phú Quốc Resorts hay CEO Group với Dự án Sonasea Villas & Resort quy mô 80ha, bãi biển trung tâm thị trấn Dương Đông.
Với nhà đầu tư cá nhân, tiêu chí “sinh lời và đảm bảo chi phí cơ hội an toàn” là điều tối quan trọng. Đáp ứng điều này, CEO Group đã mau mắn cam kết: Khách hàng mua biệt thự Sonasea Villas và tham gia chương trình cho thuê sẽ nhận được 15 đêm nghỉ miễn phí mỗi năm trong 10 năm và 85% lợi nhuận từ cho thuê biệt thự, cam kết mức lợi nhuận tối thiểu 9% giá trị biệt thự trong 05 năm.
Đánh giá tổng quan về sự lựa chọn ngày càng thận trọng của nhà đầu tư, ông Nguyễn Phúc, chuyên trách mảng dự án du lịch của một công ty BĐS đặt tại quận Cầu Giấy cho biết, việc các chủ đầu tư mới (trong mảng nghỉ dưỡng) nhanh chóng tung ra các chương trình cam kết giá trị lợi nhuận từ cho thuê sản phẩm nghỉ dưỡng, cho thấy sức cạnh tranh đang diễn ra gay gắt.
Một điều nữa, khi TPP thành công, sức ép từ vốn ngoại, cũng như áp lực mang tên M&A không loại trừ khả năng “san bằng” những dự án đói vốn hoặc không thể huy động vốn từ nhà đầu tư.
“Điều này, ngay cả nhà đầu tư rủng rỉnh cũng phải cân nhắc rất kỹ, trước khi bỏ tất cả trứng vào một giỏ” – ông Phúc thận trọng.